Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa là phần phim mang lại hồi kết hoành tráng của loạt phim về khủng long đình đám.
Quy tụ hai thế hệ ngôi sao, tác phẩm đưa đến chuyến hành trình mới lấy bối cảnh 4 năm sau khi Isla Nublar bị phá hủy, giờ đây khủng long cùng chia sẻ thế giới với con người. Cùng tìm hiểu các sự thật thú vị đằng sau quá trình sản xuất để mang đến màn ảnh rộng những chú khủng long chân thực nhất của bom tấn Universal
Dàn khủng long hùng hậu
Giám sát Animatronics (Kỹ xảo cơ khí: thuật ngữ chỉ việc sử dụng các con robot hay con rối được điều khiển để đóng thế, giúp tạo ra những hiệu ứng kỹ xảo cho phim ảnh) John Nolan cùng nhóm của mình đã thiết kế và tạo ra 27 con khủng long khác nhau cho Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa, trong đó có 10 con khủng long chưa từng xuất hiện trong các phần phim trước của loạt “Jurassic”.
Stephen Brusatte – người giữ vị trí cố vấn về cổ sinh vật học cho bộ phim – hiện là giáo sư tại trường Đại học Edinburgh. Mọi con khủng long xuất hiện trong Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa đều đã từng thực sự tồn tại trên Trái đất và điều đó được xác nhận bởi Brusatte.
Nhiều hiệu ứng thực tế hơn
Việc đưa các sinh vật được tạo ra bởi animatronic (kỹ xảo cơ khí) là mục tiêu mà Trevorrow đặt ra ngay từ lúc khởi động dự án này. Vô số mô hình robot khủng long được điều khiển như những con rối đem đến sự chân thực trên màn ảnh.
Cách đơn giản nhất để hiểu được hiệu ứng hình ảnh do kỹ xảo cơ khí tạo ra chính là quan sát cách mà một con vật di chuyển trên địa hình. Ví dụ, Blue của Owen sẽ được xây dựng hoàn toàn bằng kỹ thuật số vì nó liên tục di chuyển, nhưng con của nó là Beta lại là sản phẩm của kỹ xảo cơ khí, rối cơ và cả hiệu ứng kỹ thuật số. Có một sự cạnh tranh tự nhiên giữa hiệu ứng kỹ thuật số và hiệu ứng thực tế, tuy nhiên giám sát VFX lại muốn kết hợp chúng lại với nhau: tạo nên những con khủng long bằng kỹ xảo cơ khí thuyết phục tới mức khán giả sẽ tin rằng chúng được tạo ra từ kỹ thuật số, và những khủng long được tạo ra từ kỹ thuật số sẽ chân thực và sống động như thể chúng là những con rối. Đạo diễn Trevorrow mong muốn những sinh vật VFX mà khán giả đã quen thuộc vẫn sẽ có tạo hình gần giống với những sinh vật mà Stan Winston và nhóm làm phim của ILM đã dựng lên cách đây gần 30 năm.
Và quan trọng hơn cả, nhà làm phim muốn được hợp tác với những người có chung đam mê dành cho loài khủng long. Trong cuộc gặp mặt đầu tiên với giám sát Animatronic John Nolan, câu hỏi quan trọng mà ông đặt ra là: “Cậu có thích khủng long không?” Với câu trả lời của mình, Nolan đã nhanh chóng được nhận công việc trong mơ này. Colin Trevorrow tiết lộ rằng Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa thực sự sẽ có nhiều kỹ xảo cơ khí hơn tất cả những phần phim trước, chứ không chỉ dựa vào công nghệ kỹ xảo vi tính (CGI). Vị đạo diễn chia sẻ: “Thực tế là chúng tôi đã áp dụng các phương pháp thực tế nhiều hơn tất thảy các phần phim Jurassic kể từ phần đầu tiên. Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa sở hữu nhiều kỹ xảo cơ khí hơn hẳn”.
Với quyết tâm sẽ dựng nên những con khủng long chân thực hết mức có thể trong phần phim thứ 3 này, Trevorrow cùng nhóm thiết kế đã trao đổi với Brusatte về hành vi, cử chỉ, môi trường của lũ khủng long cũng như liệu chúng có lông vũ hay là một kẻ săn mồi hung dữ hay không.
Công nghệ đằng sau các loài bò sát tiền sử
- Dilophosaurus là con khủng long duy nhất mà khán giả nhìn thấy trên màn ảnh rộng được dựng lên hoàn chỉnh mà không cần dùng tới sự hỗ trợ của bất cứ hiệu ứng hình ảnh nào. Dilophosaurus có thể bước đi một cách chân thực dưới sự điều khiển của một nhóm thợ với số lượng lên tới 12 người.
- Để tạo ra thứ nọc độc màu đen chết người mà Dilophosaurus phun vào con mồi, nhóm kỹ thuật đã sử dụng một hỗn hợp bao gồm Ultra Slime, màu thực phẩm, nước và một chất làm đặc có tên methylcellulose thường được sử dụng để làm món sữa lắc trong thức ăn nhanh.
- Bộ xương khủng long hóa thạch đầu tiên có lông vũ được phát hiện tại Trung Quốc vào năm 1996. Hai loài Tyrannosaur đã được chứng minh là có lông vũ, vì thế Brusatte cho rằng việc một con T.rex bạo chúa được tìm thấy với lông vũ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trevorrow đã thông báo với nhóm thiết kế trong những buổi gặp gỡ đầu tiên rằng điểm nhấn của phần phim thứ 3 này sẽ là loài khủng long có lông vũ.
- Trong thực tế, lông vũ của loài khủng long có những màu sắc sinh động. Một số có bộ lông trắng, nâu, đen hoặc đỏ. Một số khác lại có bộ lông óng ánh, vì thế trông chúng thật rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Một số lại có hoa văn hoặc họa tiết bóng mờ trên cơ thể…
- Có một số sự khác biệt giữa hình dáng của khủng long trong thực tế và trong loạt “Jurassic” vì trong phim ảnh, các nhà khoa học đã sử dụng DNA của một số động vật như ếch để lấp đầy những khoảng trống bị thiếu trong DNA của khủng long.
- Các con châu chấu được tạo ra hoàn toàn bằng kỹ xảo cơ khí có chiều dài cơ thể lên tới 30 inch (tương đương 76 cm).
THẾ GIỚI KHỦNG LONG: LÃNH ĐỊA (tựa gốc: JURASSIC WORLD: DOMINION) hiện đang khởi chiếu tại rạp.