Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ bí quyết làm thế nào để biết thế mạnh & đam mê của bản thân, cần biết cách lắng nghe và lời nói gói vàng.
Làm thế nào để biết thế mạnh & đam mê của bản thân
Hiện nay một vài bộ phận giới trẻ đang rơi vào tình trạng không biết và không xác định được đam mê và thế mạnh của bản thân. Chính vì thế không ít người ngay từ đầu không thể chọn đúng ngành nghề, công việc mình ưa thích. Đến khi vô tình tiếp xúc, thử sức với công việc đúng với mong ước thì lại thiếu kỹ năng phải học lại từ đầu. Do đó việc xác định đam mê ngay từ sớm sẽ giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, từ đó nâng cao năng lực của bản thân lên, trách tốn thời gian vào những thứ không cần thiết mà bản thân không thích sẽ không muốn gắn bó lâu dài.
Không phải ai cũng sẵn sàng theo đuổi niềm đam mê bởi đâu đó vẫn còn người chưa xác định thế mạnh của bản thân. Thậm chí có nhiều người biết bản thân mình muốn gì nhưng vẫn không dám theo đuổi đam mê vì sợ thất bại. “Trước hết chúng ta phải thấu hiểu bản thân mình, phải có khả năng học hỏi tiếp thu để nhận biết nhân lực của bản thân. Bất kì ngành nghề nào cũng đều có những khó khăn trở ngại riêng, nhưng nếu mình làm bằng cả niềm yêu thích, nó tạo cho chúng ta cảm giác hạnh phúc, không cảm thấy sợ hãi chùn bước trước những khó khăn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm – Chuyên gia tâm lý chia sẻ.
Được làm công việc đúng với thế mạnh và đam mê của mình chính là mong muốn của nhiều người, bởi đây chính là động lực tạo ra cảm hứng giúp chúng ta phấn đấu từng ngày. Đầu tiên chúng ta phải biết thấu hiểu chính bản thân của mình, bằng cách lập danh sách những ý tưởng mà bản thân quan tâm nhất, viết ra những suy nghĩ và thực hiện những ý tưởng của mình trước. Đây chính là cách giúp chúng ta kiểm tra thế mạnh và đam mê của mình. Bên cạnh đó việc lập ra hướng phát triển chuyên môn cho mình, tích cực học hỏi thêm nhiều kỹ năng kiến thức mới cũng là cách để biến niềm đam mê trở thành thế mạnh.
Cần biết cách lắng nghe
Kỹ năng giao tiếp là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống, song phần lớn mọi người thường nhầm tưởng rằng để có thể giao tiếp tốt chỉ cần học cách ăn nói khéo léo là đủ. Thế nhưng trên thực tế để giao tiếp tốt chúng ta còn cần có kỹ năng lắng nghe, lắng nghe và thấu hiểu là chìa khóa để mỗi người có thể gắn kết và sẻ chia, từ đó tạo nên nhiều mối quan hệ tốt. Tuy nhiên lắng nghe như thế nào cho đúng và phù hợp là cả một quá trình.
Lắng nghe chính là chiếc chìa khóa vàng trong mọi cuộc đối thoại hiệu quả, nếu không có yếu tố này những thông điệp giao tiếp sẽ không được truyền tải rõ ràng. Từ đó quá trình đối thoại sẽ dễ bị gián đoạn, khó tránh khỏi những hiểu lầm, thậm chí gây xích mích giữa người nói lẫn người nghe.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An – Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Trong bất kỳ mối quan hệ hay cuộc trò chuyện giao tiếp đều đòi hỏi chúng ta cần có sự lắng nghe. Lắng nghe một cách toàn tâm toàn ý để chúng ta có thể tiếp nhận toàn bộ thông tin mà đối phương gửi trao đến chúng ta qua cơ chế giải mã và chúng ta phản hồi qua cảm xúc, hành động thì mọi thứ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Mỗi người chúng ta nên học cách lắng nghe người khác, việc tập lắng nghe người khác cũng là một cách để chúng ta tôn trọng đối phương”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên – Chuyên gia Tâm lý chia sẻ: “Chúng ta phải nghe và quan sát những người xung quanh chúng ta họ ứng xử như thế nào, họ lắng nghe như thế nào và đã tạo ra những giá trị tích cực như thế nào. Lấy đó là tiền đề để chúng ta hoàn thiện bản thân, cố gắng tập trung lắng nghe những thông điệp truyền tải của người đối diện, có những sự tương tác phù hợp để cuộc trò chuyện đó tạo ra những giá trị tích cực. Đồng thời bày tỏ được sự đồng cảm, thấu cảm đối với câu chuyện chúng ta lắng nghe”.
Lắng nghe giúp chúng ta duy trì sự liên kết để duy trì mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, đây cũng là cách để trao cho người sự chân thành, cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng để nhận lại được sự tin tưởng, uy tín, lòng yêu mến của mọi người. Đồng thời lắng nghe cũng là yếu tố cần thiết để chúng ta tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hữu ích cho bản thân thông qua những chia sẻ từ người khác. Trở thành một người nói tốt là điều cần thiết, và trở thành một người lắng nghe tốt còn mang lại nhiều giá trị hơn nữa.
Lời nói gói vàng
Ông bà ta có câu “Lời nói gói vàng” nhằm giáo dục các thế hệ về giá trị của lời nói. Lời nói góp phần không nhỏ vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thậm chí là ảnh hưởng đến cả cảm xúc của những người xung quanh ta. Vậy nên cẩn trọng và chăm chút cho lời nói trước khi nói ra là một điều vô cùng quan trọng. Lời nói là phương tiện để mỗi người biểu lộ ý nghĩ và cảm xúc, để cảm nhận và thấu hiểu về nhau hơn. Những lời hay ý đẹp còn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Lời nói thiếu kiểm soát khiến người nghe cảm thấy rất khó tiếp nhận. “Tôi sẽ cảm thấy buồn và tổn thương từ những lời người khác nói, vì tôi thường đối chiếu lời nói của người khác lên chính bản thân mình”, chị Tường Linh (Quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Ngọc Trâm – Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam cho biết, những vết thương do ngôn từ, những câu nói bạo lực có thể hủy hoại cả cuộc đời của một con người. Chính vì thế chúng ta cần suy nghĩ thật kĩ, sống chậm lại và chọn lọc những câu nói sao cho đẹp lòng bản thân mình và những người xung quanh.
Chuyên gia chia sẻ: “Kết hợp giữa sự thẳng thắn và tinh tế sâu sắc để người nghe đón nhận thông điệp vui vẻ. Việc chúng ta phát ngôn không kiểm soát sẽ khiến cho các mối quan hệ ngày càng tách rời ra. Bên cạnh đó để lời nói luôn có giá trị và thiện cảm với những người xung quanh, chúng ta cần có sự chọn lọc thông tin, quan sát chính mình, để những lời nói ra đều là những câu nói có giá trị ý nghĩa tốt đẹp”.