Trẻ bị té ngã đập đầu là tình trạng phổ biến đối với trẻ em, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm để xử trí khi con không may bị thương.
Tập 69 chương trình Sống khỏe đời vui tuần này có chủ đề “Xử trí khi trẻ bị té ngã đụng đầu” với sự tham gia tư vấn của bác sĩ Lê Quang Mỹ – Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM và được kết nối bởi MC Hải Hoàng.
Mở đầu tiểu phẩm tình huống tuần này, người mẹ vừa thấy vợ chồng con trai về liền nôn nóng thông báo cu Tí mới bị ngã đập đầu rất mạnh. Nghe thế, người vợ liền la toáng lên thất thanh vì lo lắng con trai sẽ bị đập đầu tới te tua, tơi tả rồi ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Kể lại sự tình, người mẹ cho biết vì trời mưa hắt nước vào nhà khiến cho nền nhà trơn, cú Tí lại hiếu động chạy nhảy lung tung nên bị trơn ngã đập đầu xuống sàn. “Lúc ngã thì nó la khóc thôi, má đỡ dậy rồi rửa người cho nó là nín, bình thường lại rồi chứ không có gì hết”, người mẹ cho hay.
Nghe mẹ chồng nói vậy nhưng người vợ vẫn nhất quyết muốn đưa con đến bệnh viện để thăm khám, và chừng nào bác sĩ nói không sao cô mới yên tâm. Dù được chồng và mẹ chồng khuyên không nên làm quá vấn đề vì hiện tại cu Tí đã ổn định, không có dấu hiệu lạ và cũng không thấy đau nhưng người vợ vẫn một mực muốn đưa con đi khám. “Phần đầu nó chứa não bộ ở trong đó nên mình phải hết sức để ý chứ không được chủ quan”, người vợ cho hay. Mặc chồng khuyên nhủ, người vợ vẫn lo lắng không yên nên đã quyết định tìm đến bác sĩ chuyên khoa để nghe bác sĩ tư vấn.
Theo dõi câu chuyện tình huống, bác sĩ Lê Quang Mỹ cho biết trường hợp trẻ bị đập đầu vào vật cứng là trường hợp anh thường xuyên gặp cha mẹ đưa con vào điều trị, thăm khám ở nhiều thời điểm trong ngày. Nam bác sĩ cho biết để xác định những lần trẻ bị đập đầu như thế có ảnh hưởng gì không đòi hỏi chuyên gia y tế phải có kỹ năng để xác định. “Đối với một em bé sau khi té ngã và em vẫn hoạt động ổn thì tình trạng sẽ bình thường, phụ huynh có thể tạm thời yên tâm. Còn trong những trường hợp té ngã và va đập mạnh nhưng em bé bị ói, mệt mỏi, than đau đầu là những trường hợp cần đưa đến cơ quan y tế để thăm khám”, nam bác sĩ chia sẻ thêm.
Dù vậy, bác sĩ Quang Mỹ còn cho biết có nhiều trường hợp bé bị té ngã ngay sau đó không có triệu chứng gì nhưng vài ngày sau mới xuất hiện thì ngay sau khi phát hiện trẻ có dấu hiệu lạ, phụ huynh cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Ngoài ra, nếu cha mẹ nào khi thấy con bị ngã và quá lo lắng như trong tiểu phẩm tình huống thì tốt nhất vẫn nên đưa con đi khám để yên tâm.
Khi MC Hải Hoàng thắc mắc liệu hành động bế bé dậy ngay khi bị ngã là đúng hay sai thì bác sỹ Quang Mỹ cũng cho biết điều đó khó đẻ kết luận được sai hay đúng. Về mặt chuyên môn thì nam bác sĩ khuyên các phụ huynh không nên bế xốc bé lên khi bị ngã bởi nếu làm không đúng tư thế có thể dễ làm cho con bị tổn thương hơn. Thế nhưng, về phương diện làm cha làm mẹ thì ít ai có thể bình tĩnh để quan sát mà thường sẽ bế con lên để dỗ dành.
Đối với cách xử trí khi trẻ bị té ngã, nam bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên nếu thấy đầu của trẻ có vết bầm sưng thì cha mẹ nên chườm đá lại chỗ sưng cho trẻ để giảm đau. Nếu thấy trẻ bị trầy xước nhẹ thì nên rửa sạch vùng da bị trầy xước bằng nước sạch, xà phòng dịu nhẹ hoặc dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, khi thấy trẻ bị chảy máu ít, người lớn nên sử dụng miếng khăn sạch hoặc gạc y tế sạch ấn thẳng vào vết thương để cầm máu. Bước tiếp theo, cần cho trẻ nằm nghỉ ngơi, theo dõi sát trong vòng 2 giờ sau chấn thương. Nếu trẻ bị đau tại chỗ hoặc nhức đầu, nôn ói sau 24 giờ chấn thương thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ.
Lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, gia đình trong tiểu phẩm tình huống cũng đỡ lo lắng phần nào nhưng vẫn sẽ đưa con đi thăm khám để yên tâm.
Chương trình Sống khỏe đời vui phát sóng lúc 17:30 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7, do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện.
Bài, ảnh: Bee Comm