Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống như kiên định trong suy nghĩ, dạy con ứng xử khi đến nhà người khác, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoạt động cộng đồng.
Kiên định trong suy nghĩ
Hay dễ bị tác động, trì hoãn, phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài, thiếu kiên định trong suy nghĩ, là vấn đề đau đầu mà chị Nguyễn Kim Phụng (TP.HCM) đang gặp phải, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và công việc của chị.
“Khi người khác nói gì hay rủ rê điều gì đó tôi rất dễ bị lung lay, đôi lúc tôi quyết tâm làm gì đó nhưng lại phải gác đi khi nghe ai đó góp ý, nhiều lần như vậy khiến mọi kế hoạch trong cuộc sống của tôi diễn ra không như ý”, chị Kim Phụng chia sẻ.
Sự kiên định là một yếu tố cần thiết để biến khát vọng của mình trở thành hiện thực. Tuy nhiên, không ít người lại không có đủ kiên nhẫn và sẵn lòng từ bỏ khi gặp phải trở ngại. Thiếu kiên định trong suy nghĩ có thể dẫn đến sự mập mờ trong mục tiêu và định hướng khiến chúng ta dễ bị lạc lối trong chính quyết định của mình.
Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình cho biết: “Suy nghĩ kiên định rất cần thiết để duy trì sự ổn định trong hành động của bản thân, duy trì sự kiên định chính là duy trì sự tập trung để tạo sức mạnh và động lực để thực hiện mục tiêu”.
Tiến sĩ khẳng định sự kiên định chính là sức mạnh thúc đẩy bản thân, để đạt được điều đó, cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể và đo lường được tỉ lệ thành công và thời gian thực hiện. Ngoài ra, việc lập kế hoạch rất quan trọng với việc thực hiện mục tiêu, khi đã có kế hoạch, chúng ta có thể phân bổ nguồn lực, thời gian và năng lượng phù hợp theo từng cột mốc thời gian. Cuối cùng, hãy tận hưởng quá trình thay vì chờ đợi kết quả, tận hưởng sự tiến bộ hằng ngày qua việc học hỏi và đặc biệt là không được mất động lực khi gặp khó khăn.
Dạy con ứng xử khi đến nhà người khác
Không ít trường hợp con trẻ khi đến nhà người khác, không có thói quen tự giác thưa người lớn, tệ hơn là tự ý xông vào phòng riêng để tìm người chơi, la hét, thậm chí làm rơi vỡ đồ vật trong nhà. Khi rơi vào tình huống trớ trêu, một số phụ huynh cảm thấy khó xử, ngược lại không ít người lại cho rằng trẻ nghịch ngợm là điều bình thường, điều này vô tình khiến trẻ con không nhận ra được cái sai của mình.
Đa phần chủ nhà vì lịch sự, sẽ không bày tỏ thái độ với trẻ em và phụ huynh. Tuy nhiên, khi hành vi của trẻ gây ra hậu quả lớn, lại gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai gia đình.
Chị Ái Trân (TP.HCM) chia sẻ phương pháp dạy con ứng xử khi gặp người lớn: “Trước khi dạy con và để con hiểu các chuẩn mực khi đến nhà người khác, phụ huynh cần làm gương để con chứng kiến và noi theo trong các hoạt động thường ngày. Tôi luôn mở lời đề nghị khi nhờ con giúp gì đó và không quên cám ơn con ngay sau đó”.
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Trẻ con sẽ không tự điều chỉnh nếu không có sự nhắc nhở của người lớn, từ đó càng ngày càng gia tăng các hành vi tương tự. Khi đến một nơi mới thì trẻ bắt đầu tâm lý tìm hiểu, khám phá, phụ huynh nên nhắc nhở nhẹ nhàng với các con hoặc làm gương cho con, từ đó về lâu về dài sẽ hình thành được các giới hạn nhất định”.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi từ 3 tuổi trở đi, lúc này trẻ biết sử dụng ngôn ngữ để thể hiện thái độ và cảm xúc. Do đó, phụ huynh cần dạy cho con trẻ cách sử dụng và thói quen đối với việc bày tỏ cảm xúc thông qua ngôn ngữ đúng cách, đúng thời điểm.
Nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoạt động cộng đồng
Anh Phú Đức (TP.HCM) tâm sự, công việc quá bận rộn khiến anh và vợ không có nhiều thời gian chăm sóc con, đôi lúc muốn cho con tham gia các lớp kỹ năng sống để tăng thêm trải nghiệm về thế giới bên ngoài nhưng lại không đủ thời gian.
Ngược lại, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến khuyến khích cho con tham gia các hoạt động xã hội từ khi học lớp 4, đặc biệt là các chuyến thiện nguyện do chính chị tổ chức. “Tôi tập cho bé chuẩn bị thức ăn, sắp xếp đồ ăn theo phần rồi phụ các cô, dì trao tay những suất ăn thiện nguyện đến với những hoàn cảnh khó khăn”, chị Xuyến tự hào.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Trẻ vô tâm, thờ ơ và không giúp đỡ bạn bè xung quanh bị ảnh hưởng bởi những bối cảnh, cách thức mà phụ huynh hướng dẫn hoặc do trẻ chưa có cơ hội thể hiện điều đó. Ở giai đoạn cuối mầm non lên tiểu học, cần chú trọng phát triển cho trẻ các hoạt động để nâng cao khả năng giao tiếp. Lên cấp 2 và cấp 3, phụ huynh nên cho con tham gia các hoạt động của bè bạn để con tự nhận thức khả năng của bản thân, từ đó tạo điều kiện để giao tiếp với nhiều nhóm đối tượng xung quanh”.
Hiện nay, nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc, nên ít có thời gian cho con tham gia các hoạt động cộng đồng. Mặt khác, nhiều trẻ được bao bọc quá mức nên cũng ít có cơ hội tham gia vào cuộc sống bên ngoài, lâu dần trẻ thiếu kỹ năng sống và hình thành lối sống vị kỷ. Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, phụ huynh có thể hướng con tham gia các hoạt động khác như nhặt rác bảo vệ môi trường, quyên góp quần áo, sách vở cũ tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền văn hóa giao thông, nói không với ma túy….Việc tiếp xúc các hoạt động ngoại khóa khiến con tự tin, cởi mở trong giao tiếp, trưởng thành trong cảm xúc và hành vi.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.