Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo đưa ra hai sự việc nổi cộm gần đây như cho con trẻ cầm vô lăng và khoe bảng điểm của con lên mạng xã hội. Hành động đó của người lớn tiềm ẩn mối nguy hại mà không phải phụ huynh nào cũng lường trước được.
Người lớn vô tư cho trẻ cầm vô lăng
Thời gian gần đây nhiều trẻ tuy còn rất nhỏ nhưng lại được các bậc phụ huynh thản nhiên để các em ngồi vào ghế lái ôm lấy vô lăng khi xe đang di chuyển. Hay thậm chí là cho các em nhỏ điều khiển phương tiện giao thông đường biển để chở khách, đây là một hành động nguy hiểm đe dọa tính mạng đối với trẻ, với hành khách và cả những người tham gia giao thông.
Luật sư Nguyễn Trần Thiên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảnh báo: “Việc cho trẻ chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông như xe máy, xe hơi, xe tải, thậm chí là những chiếc đò ở miền quê sông nước là hành động cực kỳ nguy hiểm. Hành vi cho trẻ điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm luật giao thông, xem thường pháp luật, tiếp theo là xem thường tính mạng, tài sản của mình cũng như là tính mạng của đứa con mà họ sinh ra, và cả những người xung quanh”.
Luật sư nhấn mạnh thêm: “Việc giao cho trẻ nhỏ điều khiển phương tiện giao thông không đúng với đối tượng là vi phạm hành chính. Khi xảy ra hậu quả thì ngoài mức phạt hành chính thì người vi phạm còn phải đền bù thiệt hại về mặt tài sản, nếu như gây thiệt hại tài sản cho người khác. Hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị khởi tố hình sự nếu vụ việc đó ra gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc thương tật cho người khác.
Đối với những trường hợp các vị phụ huynh quay lại hành động con em điều khiển phương tiện và truyền tải lên mạng là một hành động sai trái vì chúng ta đang tuyên truyền một hành vi vi phạm pháp luật. Các vị cha mẹ nên biết rằng khi hậu quả xảy ra, ngoài vấn đề bị phạt hành chính, mình còn phải chịu hậu quả cả về trách nhiệm dân sự, cũng như là trách nhiệm hình sự nếu có thương vong”.
Thực tế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị trí ngồi an toàn nhất cho trẻ dưới 12 tuổi là ghế giữa phía sau có dây an toàn đầy đủ. Riêng với trẻ dưới 4 tuổi cần được đặt ngồi trong ghế quay mặt về phía sau cửa xe, nên có ghế an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ khi ngồi trong xe. Người lớn tuyệt đối không cho trẻ cầm vô lăng vì hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khoe bảng điểm của con – Ẩn họa khôn lường
Đến hẹn lại lên, sau khi các trường tổng kết năm học cũng là lúc nhiều phụ huynh có dịp được khoe hình tích học tập của con. Tuy nhiên không chỉ chia sẻ với những người thân quen, không ít các bậc phụ huynh thản nhiên đăng tải bảng điểm của con em mình một cách công khai, thế nhưng nhiều người không nhận ra rằng hành động này không những đem lại áp lực về điểm số cho con, mà còn đẩy con vào con đường nguy hiểm khi thông tin của con có thể bị đánh cắp hay thậm chí là bắt cóc.
Cha mẹ nào cũng vui, hãnh diện khi con đạt được kết quả cao trong học tập, nhưng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đăng tải những thông tin về việc học tập của con lên các trang mạng xã hội. Bởi mục tiêu cuối cùng của cha mẹ là giúp con nhận thức được giá trị thật sự của việc học và năng lực bản thân mới là điều nên hướng đến. Chưa kể chính thói quen khoe thành tích học tập của con cũng đồng thời tạo ra áp lực cho các bậc phụ huynh khác.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Trung Hải (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ: “Trong việc học, các con đã cố gắng rất nhiều, chúng ta khoe nhưng cũng vô tình làm tổn thương người khác. Có thể con của chúng ta được sống trong một nền giáo dục tốt được bổ trợ rất nhiều từ bên ngoài, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện làm các việc đó. Chúng ta vô tình tạo nên áp lực đối với con trẻ. Dù điểm có tốt hay xấu thì cũng phải khuyên và động viên con em mình “Con đã làm tốt lắm rồi. Bởi vì chỉ có cha mẹ là những người đồng hành cận kề bên con nên họ phải hiểu mức năng lực của con em mình, không nên ép buộc con cố gắng khi đã đến giới hạn của các em, và nếu các bé chưa đạt đúng kết quả thành tích như mong đợi thì chúng ta nên an ủi và động viên, khích lệ để con em mình tập trung hơn”.
Luật sư Bùi Trọng Hiển (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Khi đưa hình ảnh của trẻ em, thông tin đời tư và thông tin cá nhân lên mạng xã hội là hành vi vi phạm Luật trẻ em năm 2016. Cụ thể điều 6 của Luật trẻ em 2016 quy định những hành vi bị cấm chính là công bố tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của các em mà không nhận được sự đồng ý từ phía trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Và đồng thời tại điều 21 của Luật trẻ em năm 2016 cũng quy định về quyền bất khả xâm phạm về bí mật cá nhân của trẻ em, điều luật này ngăn cấm hành vi công bố tiết lộ đời sống riêng tư bí mật của trẻ em về các lĩnh vực đời tư cá nhân, hành tích kết quả học tập của các em. Việc đưa thành tích kết quả học tập của con em mình lên các trang mạng xã hội vô hình chung tạo ra những thứ rủi ro cho chính con em của mình, người xấu có thể lợi dụng thông tin đó để cưỡng chế, bắt nạt các em để thực hiện hành vi sai trái hay nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp hình sự như bắt cóc tống tiền, hoặc đe dọa chiếm đoạt tài sản.”
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.